Nâng cao năng lực, thúc đẩy thực thi pháp luật ATVSLĐ
Với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc, các công trình xây dựng, giao thông và hoạt động giao thông vận tải, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia và công trình lớn”, Tháng hành động năm nay nhấn mạnh yêu cầu chủ động phòng ngừa và kiểm soát rủi ro trong lao động, sản xuất.
Theo kế hoạch, trong tháng 5/2025, các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng sẽ chủ động tổ chức lễ phát động tại một công trình, dự án tiêu biểu hoặc địa điểm phù hợp với điều kiện thực tế. Song song đó, Bộ Xây dựng phối hợp với Công đoàn Xây dựng Việt Nam tổ chức thăm hỏi, tặng quà các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhằm chia sẻ mất mát, động viên tinh thần và hỗ trợ khắc phục khó khăn.
Nhằm lan tỏa thông điệp về an toàn lao động, Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh truyền thông về hệ lụy của tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đồng thời đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, tăng cường truyền thông tại công trường, nơi làm việc, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng đặc biệt lưu ý việc kịp thời thông tin về nguyên nhân các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để rút kinh nghiệm, phòng ngừa lặp lại sự cố tương tự. Bên cạnh đó, chú trọng cải thiện điều kiện làm việc, tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ mất an toàn nhằm xây dựng môi trường làm việc Xanh – Sạch – Đẹp, an toàn và bền vững.
Trong khuôn khổ Tháng hành động, các đơn vị thuộc Bộ sẽ tổ chức các hoạt động như hội nghị, hội thảo chuyên đề, các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, hội thi tìm hiểu pháp luật về ATVSLĐ, thi sáng kiến, thi người huấn luyện giỏi… nhằm tạo sân chơi bổ ích, thúc đẩy phong trào lao động an toàn trong toàn ngành.
Đặc biệt, công tác đào tạo, tập huấn về ATVSLĐ sẽ được chú trọng, hướng đến đối tượng là cán bộ quản lý, người sử dụng lao động và người lao động. Việc nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động sẽ góp phần xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc.
Công tác đào tạo, tập huấn về ATVSLĐ sẽ được chú trọng, hướng đến đối tượng là cán bộ quản lý, người sử dụng lao động và người lao động. Ảnh Tạ Hải.
Tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi ATVSLĐ
Trong dịp này, các đoàn kiểm tra của Bộ Xây dựng sẽ lồng ghép nội dung kiểm tra ATVSLĐ trong quá trình đánh giá các công trình, dự án thuộc thẩm quyền quản lý, cũng như trong hoạt động nghiệm thu công trình xây dựng.
Các cơ sở lao động cũng được yêu cầu lập kế hoạch tự kiểm tra định kỳ và đột xuất, tập trung vào việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp đảm bảo ATVSLĐ, phòng chống các yếu tố nguy hiểm, có hại theo quy định tại Luật ATVSLĐ và Nghị định 39/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Thông qua chuỗi hoạt động này, Bộ Xây dựng kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động và trách nhiệm trong công tác ATVSLĐ, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khỏe người lao động và phát triển ngành xây dựng bền vững, hiện đại.